Bài viết chia sẻ: Quy định về ngành nghề kinh doanh khi thành lập công ty đối với từng danh mục ngành nghề không có điều kiện, ngành nghề kinh doanh có điều kiện, ngành nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam (mã ngành VSIC).
Danh mục ngành nghề kinh doanh
Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam (Vietnam Standard Industrial Classification – VSIC) quy định danh mục các ngành nghề kinh doanh được chia thành 5 cấp như sau:
- Ngành cấp 1: Được mã hóa theo bảng chữ cái lần lượt từ A đến U, bao gồm có 21 ngành.
- Ngành cấp 2: Được mã hóa bằng 2 số theo mã ngành cấp 1 tương ứng, bao gồm có 88 ngành.
- Ngành cấp 3: Được mã hóa bằng 3 số theo mã ngành cấp 2 tương ứng, bao gồm có 242 ngành.
- Ngành cấp 4: Được mã hóa bằng 4 số theo mã ngành cấp 3 tương ứng, bao gồm có 486 ngành.
- Ngành cấp 5: Được mã hóa bằng 5 số theo mã ngành cấp 4 tương ứng, bao gồm có 734 ngành.
Quy định chung về ngành nghề kinh doanh khi thành lập công ty
Tổng quan, ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp sẽ chia thành 4 dạng:
- Ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
- Ngành nghề kinh doanh không có điều kiện.
- Ngành nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam nhưng được quy định tại văn bản pháp luật khác.
- Ngành nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và chưa được quy định tại văn bản pháp luật khác.
Doanh nghiệp có toàn quyền tự do kinh doanh tất cả các ngành nghề thuộc 4 dạng ngành nghề trên và không thuộc danh mục 7 ngành nghề bị cấm đầu tư kinh doanh bao gồm:
- Dịch vụ đòi nợ.
- Kinh doanh mại dâm.
- Kinh doanh pháo nổ.
- Kinh doanh các chất ma túy.
- Mua, bán, kinh doanh các loại khoáng vật, hóa chất.
- Mua, bán mẫu vật các loài hoang dã, thủy sản nguy cấp, quý hiếm có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên.
- Mua, bán người, bào thai và các bộ phận trên cơ thể người, liên quan đến sinh sản vô tính trên người… các hoạt động kinh doanh đến con người.
Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ được phép kinh doanh và xuất hóa đơn đối với những ngành nghề đã đăng ký trong giấy phép kinh doanh. Trường hợp doanh nghiệp muốn bổ sung, thay đổi các ngành nghề kinh doanh đã đăng ký thì cần thực hiện thủ tục thay đổi bổ sung ngành nghề kinh doanh với cơ quan đăng ký kinh doanh trong vòng 10 ngày kể từ ngày có sự thay đổi.
Quy định về ngành nghề kinh doanh không có điều kiện
➤ Đối với các công ty đăng ký thành lập sau ngày 20/08/2018:
Cần phải đăng ký theo mã ngành cấp 4, sau đó bổ sung mã ngành nghề cấp 5 (nếu có).
Trường hợp doanh nghiệp muốn đăng ký chi tiết hơn mã ngành kinh doanh cấp 4 thì cần diễn giải chi tiết ngành nghề của doanh nghiệp ngay dưới mã ngành cấp 4 và cần đảm bảo ngành nghề chi tiết phù hợp với ngành cấp 4 đã chọn. Khi đó, ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp sẽ là ngành nghề chi tiết mà doanh nghiệp đã ghi.
Ví dụ: Doanh nghiệp dự định bán buôn vải thì:
- Đăng ký mã ngành cấp 4 là 4641: Bán buôn vải, hàng may mặc, giày dép.
- Chi tiết của mã ngành 4641 sẽ là bán buôn vải.
➤ Đối với các công ty đã thành lập trước ngày 20/08/2018:
Không bắt buộc phải cập nhật lại mã ngành nghề theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg.
Trường hợp, công ty có nhu cầu hoặc muốn thay đổi, bổ sung ngành nghề kinh doanh hoặc xin đổi sang Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì bắt buộc cập nhật ngành nghề theo Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.
Quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Ngành nghề kinh doanh có điều kiện là những ngành nghề mà doanh nghiệp cần đáp ứng các điều kiện của ngành nghề đó vì các lý do về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn hoặc các lý do về đạo đức xã hội và sức khỏe cộng đồng…
Phụ lục IV của Luật Đầu tư có quy định cụ thể danh mục gồm 227 ngành nghề kinh doanh có điều kiện gồm các nhóm như sau:
- Ngành nghề yêu cầu điều kiện về vốn pháp định.
- Ngành nghề yêu cầu điều kiện về giấy phép đủ điều kiện an ninh trật tự.
- Ngành nghề yêu cầu điều kiện về giấy phép con khi hoạt động.
- Ngành nghề yêu cầu điều kiện về chứng chỉ hành nghề.
- Ngành nghề yêu cầu điều kiện về bằng cấp, trình độ chuyên môn.
- Ngành nghề yêu cầu đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị.
- Ngành nghề yêu cấu đáp ứng các điều kiện khác.
Doanh nghiệp khi kinh doanh các ngành nghề có điều kiện sẽ cần đáp ứng 1 hoặc nhiều điều kiện cùng lúc. Lưu ý rằng để kinh doanh hợp pháp các ngành nghề trên thì doanh nghiệp cần đáp ứng đủ và đảm bảo duy trì điều kiện này trong suốt quá trình hoạt động.
Khi doanh nghiệp kinh doanh các ngành nghề có điều kiện thì cần đăng ký mã ngành nghề theo văn bản pháp luật quy định ngành nghề đó.
Ví dụ: Ngành thiết kế, kinh doanh dịch vụ kiến trúc, ngoài các điều kiện thành lập công ty chung thì cần đáp ứng thêm các điều kiện: Có chứng chỉ hành nghề kiến trúc và gửi thông báo cho cơ quan chuyên môn về kiến trúc thuộc UBND cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính. Và thành lập công ty kiến trúc cần đăng ký mã ngành nghề như:
- 7110 – Hoạt động kiến trúc và tư vấn kỹ thuật có liên quan.
- 7410 – Hoạt động thiết kế chuyên dụng.
- 4330 – Hoàn thiện công trình xây dựng.
- …
Quy định về ngành nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam
Đối với các ngành nghề không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam sẽ chia thành 2 loại:
- Ngành nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam nhưng được quy định tại văn bản pháp luật khác.
- Ngành nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và chưa được quy định tại văn bản pháp luật khác.
Trừ các ngành nghề bị cấm thì doanh nghiệp vẫn có thể đăng ký kinh doanh những ngành ngành này, tuy nhiên lưu ý về cách ghi mã ngành nghề như sau:
➤ Đối với ngành nghề không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam nhưng được quy định tại văn bản pháp luật khác:
Cần ghi chi tiết ngành nghề theo văn bản pháp luật quy định ngành nghề đó.
Ví dụ: Kinh doanh thiết bị, vật tư phòng cháy chữa cháy được quy định tại Điều 41 Nghị định 136/2020/NĐ-CP thì:
- Đăng ký mã ngành 4669: Bán buôn chuyên doanh khác chưa được phân vào đâu.
- Chi tiết là: Bán buôn phương tiện, thiết bị, vật tư phòng cháy và chữa cháy.
➤ Đối với ngành nghề không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và chưa được quy định trong các văn bản pháp luật nào khác:
Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ xem xét và ghi nhận ngành nghề kinh doanh hợp lệ vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và gửi văn bản thông báo cho Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bổ sung ngành nghề kinh doanh mới.
Cách tra cứu ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp
Khi làm thủ tục thành lập công ty doanh nghiệp cần xác định đúng mã ngành nghề để điền vào hồ sơ đăng ký kinh doanh. Hiện nay, có 2 cách để tra cứu mã ngành nghề kinh doanh chính xác và nhanh nhất là:
- Tra cứu tại Cổng thông tin quốc gia bằng cách sử dụng mã số thuế hoặc tên của các công ty đối thủ kinh doanh cùng ngành nghề.
- Tra cứu trực tiếp tại phụ lục của Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg, Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam (Vietnam Standard Industrial Classification – VSIC).
Nếu doanh nghiệp còn bất kỳ thắc mắc liên quan đến quy định về ngành nghề kinh doanh, mã ngành nghề, thủ tục thành lập doanh nghiệp, thủ tục thay đổi ngành nghề kinh doanh… Đừng ngần ngại hãy liên hệ ngay với Luật An Tín qua số hotline 0972.006.222 (Miền Bắc) – 090.758.1234 (Miền Trung) – 0902.553.555 (Miền Nam) để được hỗ trợ tư vấn nhanh nhất.
Câu hỏi thường gặp về quy định ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp
1. Cách tra cứu ngành nghề kinh doanh như thế nào?
Có 2 cách tra cứu ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp:
- Tra cứu tại Cổng thông tin quốc gia.
- Tra cứu trực tiếp tại phụ lục của Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg.
➤➤ Tham khảo chi tiết: Cách tra cứu ngành nghề kinh doanh
2. Thay đổi ngành nghề kinh doanh có cần báo với cơ quan chức năng không?
Có. Nếu doanh nghiệp muốn bổ sung, thay đổi ngành nghề kinh doanh thì trong vòng 10 ngày kể từ ngày có sự thay đổi, doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục bổ sung ngành nghề kinh doanh với cơ quan đăng ký kinh doanh.
➤➤ Tham khảo chi tiết: Thủ tục thay đổi bổ sung ngành nghề kinh doanh
3. Ngành nghề kinh doanh có điều kiện là gì?
Ngành nghề kinh doanh có điều kiện là những ngành nghề mà khi thành lập doanh nghiệp cần đáp ứng và duy trì suốt quá trình hoạt động các điều kiện của ngành nghề đó vì các lý do về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn hoặc các lý do về đạo đức xã hội và sức khỏe cộng đồng…
➤➤ Tham khảo chi tiết: Ngành nghề kinh doanh có điều kiện là gì?
4. Quy định về việc ghi mã ngành nghề kinh doanh có điều kiện là gì?
Doanh nghiệp kinh doanh các ngành nghề có điều kiện sẽ đăng ký mã ngành nghề theo văn bản pháp luật quy định của ngành nghề đó.
➤➤ Tham khảo chi tiết: Quy định ngành nghề kinh doanh có điều kiện
5. Quy định về ngành nghề kinh doanh không có điều kiện là gì?
Doanh nghiệp có thể kinh doanh các ngành nghề mà luật không cấm. Và cần phải đăng ký theo mã ngành cấp 4, sau đó bổ sung mã ngành nghề cấp 5 (nếu có).
Nếu như doanh nghiệp muốn ghi chi tiết hơn mã ngành cấp 4 thì cần ghi chi tiết ngay dưới mã ngành cấp 4 đó và đảm bảo ngành nghề chi tiết phù hợp với ngành nghề đã chọn. Khi đó, ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp sẽ là ngành nghề chi tiết mà doanh nghiệp đã đăng ký.
➤➤ Tham khảo chi tiết: Quy định ngành nghề kinh doanh không có điều kiện
Bài viết liên quan