Hướng dẫn chế độ kế toán Hộ Kinh Doanh theo Thông Tư 88

Chế độ kế toán cho hộ kinh doanh/cá nhân kinh doanh theo Thông tư 88: đối tượng, tổ chức công tác kế toán, quy định & yêu cầu về chứng từ, sổ sách kế toán.

Từ ngày 01/01/2022, việc lập chứng từ kế toán và ghi sổ sách kế toán của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được thực hiện theo quy định của Thông tư số 88/2021/TT-BTC.

Trong bài viết này, Luật An Tín sẽ chia sẻ chi tiết các thông tin cần biết của chế độ kế toán theo Thông tư này để hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh dễ dàng nắm bắt. Từ đó, cá nhân, hộ kinh doanh có thể vận dụng đúng và hiệu quả chế độ kế toán trong công việc kinh doanh của mình.

Đối tượng hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nào áp dụng chế độ kế toán

Căn cứ theo Điều 2 Thông tư 88/2021/TT-BTC, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sau đây sẽ thực hiện chế độ kế toán:

  • Đối tượng bắt buộc: Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai (*).
  • Đối tượng tự nguyện: Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không nộp thuế theo phương pháp kê khai nhưng có nhu cầu thực hiện chế độ kế toán.

———–

(*): Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai thường là các cá nhân, hộ kinh doanh có quy mô lớn hoặc hộ kinh doanh, cá nhân không thuộc quy mô lớn nhưng chọn nộp thuế theo phương pháp kê khai.

Cách xác định cá nhân, hộ kinh doanh có quy mô lớn như sau:

  • Số người lao động tham gia BHXH bình quân năm từ 10 người trở lên.
  • Cá nhân, hộ kinh doanh có tổng doanh thu của năm trước liền kề:
    • Từ 3 tỷ đồng trở lên nếu kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, nông – lâm – ngư nghiệp.
    • Từ 10 tỷ đồng trở lên nếu kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại.

Tổ chức công tác kế toán cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh

Căn cứ theo Điều 3 Thông tư 88/2021/TT/BTC quy định về tổ chức công tác kế toán hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh như sau:

1. Bố trí người làm kế toán

Người đại diện hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có quyền tự quyết định người làm kế toán.

Người làm kế toán có thể là người thân trong gia định như: vợ, chồng, bố, mẹ, con cái, anh chị em hoặc cũng có thể là người lao động làm ở các vị trí khác như: quản lý, điều hành, thủ kho, thủ quỹ, người được giao nhiệm vụ mua, bán tài sản… kiêm nhiệm.

Lưu ý:

Người được phân công kế toán bắt buộc phải có kiến thức, hiểu biết về nghiệp vụ kế toán.

2. Thực hiện chế độ kế toán

Tùy vào nhu cầu quản lý cũng như đặc điểm hoạt động sản xuất kinh doanh mà cá nhân, hộ kinh doanh có thể lựa chọn chế độ kế toán theo Thông tư 88/2021/TT-BTC hoặc chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ theo Thông 132/2018/TT-BTC.

3. Lưu trữ, bảo quản các tài liệu kế toán

Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh cần bảo quản, lưu trữ tài liệu kế toán để phục vụ cho việc xác định nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước và công tác quản lý của cơ quan thuế. Về vấn đề này, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có thể vận dụng các quy định tại Điều 41 Luật Kế toán 2015 và từ Điều 9 đến Điều 17 Nghị định 174/2016/NĐ-CP.

Hướng dẫn chế độ kế toán Hộ Kinh Doanh theo Thông Tư 88

Hướng dẫn chi tiết chế độ kế toán cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh

1. Chứng từ kế toán

1.1. Quy định chung về chứng từ kế toán cho cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh

Chứng từ kế toán hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được quy định tại Điều 4 Thông tư 88/2021/TT-BTC, cụ thể như sau:

  • Nội dung chứng từ kế toán, việc lập hay lưu trữ và ký chứng từ kế toán của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được thực hiện theo quy định tại Điều 16, Điều 18, Điều 19 Luật Kế toán. Việc thực hiện chứng từ kế toán được hướng dẫn tại Phụ lục 1 “Biểu mẫu và phương pháp lập chứng từ kế toán” theo Thông tư 88/2021/TT-BTC.
  • Việc lập, lưu trữ chứng từ kế toán dưới dạng điện tử, cá nhân, hộ kinh doanh áp dụng theo các quy định tại Điều 17, Điều 18 Luật Kế toán 2015.
  • Về nội dung, hình thức của hóa đơn cũng như trình tự lập, quản lý và sử dụng hóa đơn (bao gồm hóa đơn điện tử) được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế.

1.2. Danh mục các chứng từ kế toán hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh áp dụng

Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh áp dụng các biểu mẫu chứng từ kế toán sau:

  • Phiếu thu – Mẫu số 01/TT.
  • Phiếu chi – Mẫu số 02/TT.
  • Phiếu nhập kho – Mẫu số 03-VT.
  • Phiếu xuất kho – Mẫu số 04-VT.
  • Bảng thanh toán tiền lương, các khoản thu nhập của người lao động – Mẫu số 05-LĐTL. 

➤➤ Tải miễn phí: Mẫu chứng từ kế toán cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Lưu ý:

Mục đích sử dụng biểu mẫu và phương pháp lập chứng từ kế toán được quy định, hướng dẫn chi tiết tại Phụ lục 1 “Biểu mẫu và phương pháp lập chứng từ kế toán” được ban hành kèm theo Thông tư 88.

1.3. Chi tiết yêu cầu về nội dung, lập, ký và lưu trữ chứng từ kế toán cho cá nhân, hộ kinh doanh

Yêu cầu về nội dung chứng từ kế toán

Căn cứ vào Điều 16 Luật Kế toán 2015, nội dung chứng từ kế toán gồm có:

  • Số hiệu, tên của chứng từ kế toán.
  • Ngày, tháng, năm lập chứng từ kế toán.
  • Tên và địa chỉ của cơ quan/doanh nghiệp hoặc cá nhân lập và nhận chứng từ kế toán.
  • Nội dung nghiệp vụ tài chính, kế toán phát sinh.
  • Số lượng, đơn giá và số tiền của nghiệp vụ tài chính, kinh tế phải ghi bằng số.
  • Tổng số tiền chứng từ kế toán dùng để chi, thu tiền phải ghi bằng số, bằng chữ.
  • Chữ ký và họ tên của người lập, người duyệt và của những người có liên quan đến chứng từ kế toán.

Yêu cầu về việc lập, ký và lưu trữ chứng từ kế toán

Căn cứ tại Điều 18 Luật Kế toán 2015 quy định về việc lập, ký, lưu trữ chứng từ kế toán cá nhân, hộ kinh doanh như sau:

  • Đối với nghiệp vụ tài chính, kinh tế phát sinh phải lập chứng từ kế toán và chỉ được lập 1 lần cho mỗi nghiệp vụ.
  • Người ký tên trên chứng từ kế toán chịu trách nhiệm về nội dung của chứng từ kế toán.
  • Nội dung trên chứng từ kế toán tuyệt đối không được sửa chữa, tẩy xóa, viết tắt, khi viết phải dùng bút mực, chữ và số viết phải liên tục, không được ngắt quãng, chỗ trống thì phải gạch chéo.
  • Chứng từ kế toán phải được lập đầy đủ, rõ ràng, kịp thời và chính xác theo mẫu. Trường hợp chứng từ kế toán chưa có mẫu thì được tự lập (tự thiết kế) mẫu, tuy nhiên mẫu tự thiết kế cần đảm bảo đầy đủ nội dung bắt buộc trên chứng từ kế toán được quy định tại Điều 16 của Luật này.
  • Chứng từ kế toán phải đảm bảo được lập đủ số liên quy định. Nếu lập nhiều liên chứng từ kế toán thì nội dung các liên phải giống nhau.
  • Với chứng từ điện tử thì cần đảm bảo tính bảo mật, an toàn trong quá trình sử dụng và lưu trữ. Chứng từ điện tử được xem là chứng từ kế toán khi được thể hiện dưới dạng dữ liệu điện tử, được mã hóa để không bị thay đổi thông tin trong quá trình gửi nhận dữ liệu qua mạng máy tính, viễn thông hoặc qua băng đĩa, thẻ thanh toán.

2. Sổ sách kế toán

2.1. Quy định chung về sổ sách kế toán cho cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh

Sổ sách kế toán hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được quy định tại Điều 5 Thông tư 88/2021/TT-BTC, cụ thể như sau:

  • Việc mở sổ, ghi sổ, khóa sổ và lưu trữ sổ kế toán bằng phương tiện điện tử, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện theo quy định tại Điều 26 Luật Kế toán 2015.
  • Nội dung sổ kế toán, việc mở sổ, ghi sổ và lưu trữ sổ kế toán được thực hiện theo quy định từ Điều 24 đến Điều 26 Luật Kế toán 2015. Việc thực hiện sổ sách kế toán được hướng dẫn tại Phụ lục 2 “Biểu mẫu và phương pháp ghi sổ kế toán” theo Thông tư 88.
  • Việc sửa chữa sổ kế toán, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được thực hiện theo quy định tại Điều 27 Luật Kế toán 2015.

2.2. Danh mục sổ sách kế toán hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sử dụng

Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh áp dụng các sổ sách kế toán sau:

  • Sổ chi tiết doanh thu bán dịch vụ, hàng hóa – Mẫu số S1-HKD.
  • Sổ chi tiết vật liệu, dụng cụ, sản phẩm, hàng hóa – Mẫu số 02-HKD.
  • Sổ chi phí kinh doanh, sản xuất – Mẫu số S3-HKD.
  • Sổ theo dõi tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế đối với ngân sách nhà nước (NSNN) – Mẫu số S4-HKD.
  • Sổ theo dõi tình hình thanh toán tiền lương và các khoản nộp theo lương người lao động – Mẫu số S5-HKD.
  • Sổ quỹ tiền mặt – Mẫu số S6-HKD.
  • Sổ tiền gửi ngân hàng – Mẫu số S7-HKD.

➤➤ Tải miễn phí: Mẫu sổ sách kế toán cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Lưu ý:

  • Mục đích sử dụng, phương pháp ghi sổ kế toán được hướng dẫn chi tiết tại Phụ lục 2 “Biểu mẫu và phương pháp ghi sổ kế toán” ban hành kèm Thông tư 88/2021/TT-BTC.
  • Trường hợp có nhiều địa điểm kinh doanh, cá nhân, hộ kinh doanh phải mở sổ kế toán theo dõi chi tiết theo từng địa điểm kinh doanh.

2.3. Chi tiết yêu cầu về nội dung và một số quy định khác về sổ sách kế toán cho cá nhân, HKD

Yêu cầu về nội dung sổ sách kế toán

Căn cứ theo Điều 24 Luật Kế toán 2015, sổ sách kế toán phải đảm bảo có các nội dung sau:

  • Tên của cá nhân, hộ kinh doanh và tên sổ kế toán.
  • Ngày, tháng, năm lập sổ, khóa sổ và ghi sổ kế toán.
  • Ngày, tháng, năm, số hiệu của chứng từ kế toán dùng làm căn cứ ghi sổ.
  • Tóm tắt nội dung nghiệp vụ tài chính, kinh tế phát sinh.
  • Số tiền phát sinh của nghiệp vụ tài chính, kinh tế được ghi vào các khoản kế toán.
  • Số dư đầu kỳ, cuối kỳ và số dư phát sinh trong kỳ.
  • Chữ ký người đại diện của cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh và của người lập sổ kế toán.
  • Đánh số trang cho từng trang, đồng thời đóng dấu giáp lai ở từng trang.

➤ Một số các quy định khác của sổ sách kế toán

Căn cứ theo Điều 26, Điều 27 Luật Kế toán 2015, một số quy định khác về sổ sách kế toán như: ghi sổ, kỳ mở sổ, khóa sổ và lưu trữ số kế toán như sau:

Quy định khác về sổ sách kế toán Yêu cầu
Quy định về ghi sổ
  • Ghi sổ theo trình tự thời gian, đầy đủ, liên tục từ khi mở sổ.
  • Thông tin, số liệu được ghi vào sổ phải đảm tính chính xác, trung thực, đúng với chứng từ kế toán.
Quy định về kỳ mở sổ
  • Sổ sách kế toán phải được mở vào đầu kỳ kế toán năm. Trường hợp cá nhân, hộ kinh doanh kế toán mới thành lập, số kế toán phải mở từ ngày thành lập.
Quy định về khóa sổ
  • Cuối kỳ kế toán trước thời điểm lập báo cáo tài chính và trong các trường hợp khác theo quy định pháp luật.
Quy định về lưu trữ sổ kế toán
  • Được ghi sổ và lưu trữ sổ kế toán trên phương tiện điện tử, tuy nhiên cần đảm bảo các quy định về sổ sách kế toán.
  • Sổ sách kế toán phải được in ra giấy và đóng thành quyển riêng cho từng kỳ kế toán năm sau khi khóa sổ kế toán.
  • Trường hợp cá nhân, hộ kinh doanh thực hiện lưu trữ điện tử, không in giấy phải đảm bảo tra cứu được trong thời gian lưu trữ, đồng thời đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin dữ liệu.
Quy định về sửa sổ kế toán
  • Khi phát hiện sổ kế toán có sai sót, cá nhân, hộ kinh doanh cần sửa chữa theo 3 cách sau:
    • Gạch đường thẳng vào chỗ sai, ghi số hoặc chữ đúng ở phía trên và có chữ ký của kế toán trưởng bên cạnh.
    • Ghi số âm bằng cách ghi lại số sai trong dấu ngoặc đơn hoặc bằng mực đỏ, sau đó ghi lại số đúng và phải có chữ ký của kế toán trưởng bên cạnh.
    • Ghi điều chỉnh bằng cách lập “chứng từ điều chỉnh” và ghi thêm số chênh lệch cho đúng.

Thời hạn nộp báo cáo của cá nhân, hộ kinh doanh thực hiện chế độ kế toán

Có 2 phương pháp kê khai thuế mà hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có thể lựa chọn là: kê khai thuế theo tháng và kê khai thuế theo quý. Cụ thể 2 phương pháp kê khai thuế này như sau:

Kê khai theo tháng Nếu tổng doanh thu năm trước của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên 50 tỷ đồng.
Kê khai theo quý Nếu tổng doanh thu năm trước của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh từ 50 tỷ đồng trở xuống.

Theo đó, thời hạn nộp báo cáo hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai được quy định như sau:

Kê khai theo tháng Trễ nhất là ngày 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế.
Kê khai theo quý Trễ nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu tiên quý tiếp theo liền kề quý phát sinh nghĩa vụ thuế.

Lưu ý:

Đối với cá nhân, hộ kinh doanh mới thành lập nộp thuế theo phương pháp kê khai, thực hiện chế độ kế toán có thể chọn nộp báo cáo theo quý với cơ quan thuế mà không cần phải nộp báo cáo tài chính năm như doanh nghiệp.

Luật An Tín hy vọng những thông tin ở bài viết này sẽ hữu ích với bạn. Trường hợp, bạn có thắc mắc cần giải đáp có thể liên hệ cho Luật An Tín qua số hotline 0972.006.222 (Miền Bắc) 090.758.1234 (Miền Trung) 0902.553.555 (Miền Nam) để được tư vấn, giải đáp thắc mắc.

Câu hỏi thường gặp về chế độ kế toán hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh

1. Chế độ kế toán áp dụng cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nào?

Có 2 đối tượng hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh áp dụng chế độ kế toán:

  • Đối tượng bắt buộc: Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai.
  • Đối tượng tự nguyện: Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không nộp thuế theo phương pháp kê khai nhưng có nhu cầu thực hiện chế độ kế toán.

2. Các biểu mẫu chứng từ kế toán mà cá nhân, hộ kinh doanh có thể áp dụng?

Cá nhân, hộ kinh doanh thực hiện chế độ kế toán có thể áp dụng các biểu mẫu chứng từ sau: phiếu thu (mẫu số 01/TT); phiếu chi (mẫu số 02/TT); phiếu nhập kho (mẫu số 03-VT); phiếu xuất kho (mẫu số 04-VT); bảng thanh toán tiền lương, các khoản thu nhập của người lao động (mẫu số 05-LĐTL).

3. Chứng từ kế toán đảm bảo có những nội dung nào?

Nội dung chứng từ kế toán phải có: tên, số hiệu của chứng từ kế toán; ngày, tháng, năm lập chứng từ kế toán; tên và địa chỉ của cơ quan/doanh nghiệp hoặc cá nhân lập và nhận chứng từ kế toán; nội dung nghiệp vụ tài chính, kế toán phát sinh… 

➤➤ Tham khảo chi tiết: Yêu cầu về nội dung chứng từ kế toán.

4. Các biểu mẫu sổ sách kế toán mà cá nhân, hộ kinh doanh có thể áp dụng?

Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sử dụng các sổ sách kế toán sau: sổ chi tiết doanh thu bán dịch vụ, hàng hóa (mẫu số S1-HKD); sổ quỹ tiền mặt (mẫu số S6-HKD); sổ tiền gửi ngân hàng (mẫu số S7-HKD); sổ chi tiết vật liệu, dụng cụ, sản phẩm, hàng hóa (mẫu số 02-HKD)… 

➤➤ Tham khảo chi tiết: Danh mục các sổ sách kế toán cho hộ kinh doanh cá nhân kinh doanh.

5. Nội dung sổ sách kế toán cho cá nhân, hộ kinh doanh cần đảm bảo yêu cầu nào?

Sổ sách kế toán phải đảm bảo có các nội dung sau: tên của cá nhân, hộ kinh doanh và tên sổ kế toán; ngày, tháng, năm lập sổ, khóa sổ và ghi sổ kế toán; số hiệu, ngày, tháng, năm của chứng từ kế toán dùng làm căn cứ ghi sổ; tóm tắt nội dung nghiệp vụ tài chính, kinh tế phát sinh; số dư đầu kỳ, cuối kỳ và số dư phát sinh trong kỳ… 

➤➤ Tham khảo chi tiết: Yêu cầu về nội dung sổ sách kế toán.

6. Quy định về sổ sách kế toán cho cá nhân, hộ kinh doanh như thế nào?

Sổ sách kế toán hộ kinh doanh được quy định như sau:

  • Về nội dung sổ kế toán toán, việc mở sổ, ghi sổ và lưu trữ sổ kế toán: thực hiện theo quy định tại Điều 24 đến Điều 27 Luật Kế toán 2015.
  • Việc thực hiện sổ sách kế toán: thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục 2 “Biểu mẫu và phương pháp ghi sổ kế toán” theo Thông tư 88.
  • Việc mở sổ, ghi sổ, khóa sổ và lưu trữ sổ kế toán bằng phương tiện điện tử, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh: thực hiện theo quy định tại Điều 26 Luật Kế toán 2015.
  • Việc sửa chữa sổ kế toán, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh: thực hiện theo quy định tại Điều 27 Luật Kế toán 2015.

7. Quy định về thời hạn nộp báo cáo của cá nhân, hộ kinh doanh thực hiện chế độ kế toán?

Thời hạn nộp báo cáo của cá nhân, hộ kinh doanh thực hiện chế độ kế toán như sau:

  • Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh kê khai theo tháng: Trễ nhất là ngày 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế.
  • Hộ kinh doanh, cá kinh doanh kê khai theo quý: Trễ nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu tiên quý tiếp theo liền kề quý phát sinh nghĩa vụ thuế.
5/5 - (1 bình chọn)

    LIÊN HỆ NGAY VỚI CHÚNG TÔI

    Hãy để lại thông tin liên hệ, Luật An Tín sẽ tư vấn bạn trong vòng 15 phút!





    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *